Tết cổ truyền đất nước Hàn Quốc
Ngoài Việt Nam, một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Mông Cổ hay Singapore vẫn giữ phong tục đón Tết cổ truyền theo lịch Âm
Theo như sử sách ghi lại thì ngày Tết Nguyên Đán ở Hàn Quốc bắt đầu từ năm 488 trong triều đại cổ Silla. Kể từ đó thì ngày này được xem như là lễ hội quan trọng nhất trong năm của đất nước. Tuy nhiên, vào đầu những năm 1900 dưới thời kỳ thuộc địa Nhật Bản thì người dân đã bị cấm tổ chức ngày lễ này. Nhật Bản yêu cầu lịch âm là đối tượng được “ưu tiên xóa bỏ” hàng đầu, do vậy Tết âm lịch bị gắn với cái tên Gujeong hay “Tết lỗi thời”. Việc ăn mừng dịp Tết âm lịch thời đó là điều cấm kỵ nhất, thậm chí có thể bị phạt và tra tấn nếu làm sai quy định.
Khi xâm lược Hàn Quốc, người Nhật Bản cũng đã xóa bỏ đi Tết âm của đất nước mình và đón theo tết của người phương Tây. Đó chính là lý do Nhật Bản là một quốc gia hiếm hoi của Châu Á sử dụng lịch Dương và đón Tết theo lịch này.
Ngày 14/2/1924, một nhà văn nổi tiếng Hàn Quốc đã phẫn uất vì không thể có một cái Tết Nguyên đán theo đúng nghĩa và mô tả 10 ngày Tết ăn theo lịch dương như thể là “ngày Tết của một ai đó, chứ không phải của dân tộc mình”.
Sau khi thoát khỏi ách nô lệ, Hàn Quốc bước vào cuộc đấu tranh khôi phục lịch âm và giành lại ngày lễ cổ truyền. Một cuộc khảo sát năm 1985 cho thấy gần 90% người dân Hàn Quốc lúc bấy giờ muốn ăn Tết Nguyên đán cổ truyền. Điều này gây áp lực không nhỏ lên chính quyền thống trị lúc bấy giờ. Người dân đất nước xứ sở kim chi đã làm mọi cách từ đấu tranh phản đối, tự tổ chức ăn Tết cổ truyền riêng mỗi gia đình, làm theo những nghi thức và nghi lễ truyền thống đã bị bỏ lại từ trước năm 1900 để giữ lại những nét đẹp văn hóa vốn có.
Cuối cùng, sau gần một thế kỷ đấu tranh không ngừng nghỉ, đến năm 1989 - ngày Tết âm lịch đã được coi là ngày lễ chính thức của Hàn Quốc với cái tên Seollal (설날) kèm theo 3 ngày nghỉ.
Tết Hàn Quốc
Ở Hàn Quốc, vào ngày Tết người lao động không được nghỉ phép có hưởng lương như ở các quốc gia khác. Đây một phần là do quy định, một phần vì văn hóa công sở. Do vậy Tết chính là thời điểm người lao động có thể nghỉ mà không có cảm giác áy náy, cũng không lo sợ bị mất ngày phép mình tích lũy.
Những doanh nghiệp, công sở sẽ cho nhân viên nghỉ vào ngày 29 hoặc 30 Tết và nghỉ đến hết mùng 2 - mùng 3. Mặc dù chỉ được nghỉ Tết trong 3 ngày nhưng tất cả người dân Hàn Quốc đều vui mừng và không quên thực hiện những lễ nghi truyền thống của dân tộc như: quỳ lạy ông bà cha mẹ, thờ cúng tổ tiên, trao lì xì và bưu thiếp đến người thân yêu, đi thăm họ hàng gần xa, đi Tết thầy cô giáo…
Xóa bỏ ngày Tết âm dường như không phải là vấn đề người Hàn Quốc đem ra tranh cãi. Họ đã mất hơn một thế kỷ đấu tranh khôi phục lễ hội đón năm mới cổ truyền. Đây chính là một nhân tố xúc tác sự liên kết cộng đồng và đoàn kết của toàn dân tộc.
Sự khao khát khôi phục Tết âm lịch của người Hàn thật đáng ngưỡng mộ đúng không nào? Những thứ thuộc về văn hóa, lịch sử của thế hệ cha ông không bao giờ là vô nghĩa và mãi mãi cần được bảo tồn. Người Việt Nam chúng ta cũng vậy, ngày Tết âm lịch là ngày lễ quan trọng nhất của đất nước, là ngày chúng ta dành thời gian quay về với gia đình, thờ cúng ông bà tổ tiên và chia sẻ những câu chuyện buồn vui trong suốt một năm làm việc và học tập đầy vất vả.
Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn nhiều thông tin thú vị và bổ ích về ngày Tết của đất nước Hàn Quốc xinh đẹp. Hãy để lại chia sẻ của bạn dưới bài viết này nhé! Chúc bạn có một năm mới hạnh phúc và nhiều niềm vui.