| ||||||
Tất nhiên, ở mỗi nước sẽ có văn hóa truyền thống riêng, nên tập tục đón Trung thu cũng đều khác nhau. Rước đèn ông sao, cùng phá cỗ, chơi trăng, ở Việt Nam mình là vậy, còn ở Hàn Quốc gọi Trung thu là lễ hội Chuseok. Tết Trung thu, hay lễ hội Chuseok ở Hàn Quốc còn có tên gọi Hangawi, là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm, cũng diễn ra vào ngày 15 tháng 8 âm lịch, hay còn gọi là Rằm tháng Tám. Như một lễ hội mừng mùa bội thu, người Hàn Quốc đi xa đều quay trở về quê hương và cùng thưởng thức những món ăn truyền thống như bánh songpyeon và rượu sindoju hay dongdongju. Ngoài ra, Chuseok còn được xem là ngày lễ tạ ơn của người Hàn. Đây là dịp mọi người tạ ơn với tổ tiên của mình, và cầu mong cho mùa màng bội thu hơn, cuộc sống ấm no, đầy đủ hơn. Theo lịch sử Hàn Quốc, lễ hội Chuseok bắt nguồn từ ngày Gabae. Gabae xuất hiện trong thời kỳ vị vua thứ ba của đế chế Silla (từ năm 57 trước công nguyên tới năm 935 sau công nguyên), khi lễ hội dệt kéo dài 1 tháng được tổ chức giữa 2 đội thi. Ngày Gabae đến, đội nào dệt được nhiều quần áo hơn sẽ thắng và có thể quyết định trừng phạt cho đội thua. Vậy nên, cho đến ngày nay, một số cuộc thi dệt ở Hàn Quốc vẫn được tổ chức vào ngày tết này.
Mặt khác, một số nhà nghiên cứu còn cho rằng, Chuseok có nguồn góc từ lễ hội mừng vụ mùa bội thu. Những sản phẩm được làm từ vụ mùa mới được dâng cúng cho thần thánh trong làng và ông bà tổ tiên, nghĩa là Chuseok bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng. Trong xã hội Hàn Quốc hiện đại, Trung thu được xem như dịp đoàn tụ đại gia đình vô cùng quan trọng, họ trở về nhà và thể hiện lòng thờ kính với tổ tiên. Mọi người bắt đầu nghi lễ cúng tổ tiên từ sáng sớm. Họ thường tới thăm mộ tổ, dọn cây dại và làm sạch khu vực quanh mộ, truyền thống này giống với nghi thức tảo mộ ở Việt Nam. Sau đó, người Hàn dâng thức ăn, đồ uống truyền thống lên tổ tiên.
Trong dịp Tết Trung thu, người Hàn không chỉ chuẩn bị món bánh Songpyeon rất chu đáo, mà cả gia đình cùng sắm sửa một mâm cúng tổ tiên thật tròn đầy. Việc sắp xếp các món đồ trên mâm cúng cũng có nguyên tắc. Thông thường, đồ ăn và rượu trên mỗi mâm cúng sẽ được xếp thành 5 hàng. Hàng thứ nhất, gần phía người cúng nhất là trái cây và vài loại kẹo. Trái cây phải đặt theo hướng đã quy định tùy thuộc vào màu sắc, trong khi đó hàng thứ 2 gồm một hoặc hai đĩa kẹo, vài lát cá khô, các loại canh nấu từ giá, rong biển. Đến hàng thứ 3, bắt buộc phải có 2 cây nến đặt 2 bên. Trong hàng thứ 4, mọi người thường bày biện các bát canh thịt bò, canh rau và cá hấp. Đặc biệt chú ý, đầu cá phải quay về phía Đông và đuôi cá hướng về phía Tây. Cuối cùng là hàng bánh Songpyeon, cơm và rượu.
|